Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Lộ trình cho đấu trường vòng loại Olympic 2016
Lộ trình cho đấu trường vòng loại Olympic 2016
21/01/2015 10:24

Một điểm nhấn trong Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Tổng cục TDTT vừa diễn ra tại Hà Nội là tập trung vào việc phát triển các môn Olympic.

Sau bước đột phá là sự thành công của các môn Olympic trên đấu trường quốc tế trong năm qua, thể thao VN đang đầy quyết tâm nâng cao thành tích trong thời gian tới. Và quyết tâm ấy thể hiện bằng nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia và các nhà quản lý tại Hội nghị của ngành.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Hoàng Vĩnh Giang nhận định: “Tại Hội nghị lần này, một “biến động” lớn là việc không đặt nặng chỉ tiêu vào đấu trường SEA Games mà tập trung đầu tư vào các môn Olympic, các cuộc thi đấu vòng loại Olympic 2016. Đã có một thời gian dài chúng ta có một cuộc đấu tranh giữa hai trường phái “quý hồ tinh bất quý hồ đa” tức là coi trọng chất lượng hơn số lượng hay là việc chúng ta phải tham gia hết các đấu trường mà đất nước ta đang hội nhập về chính trị. Và bây giờ chúng ta đã tìm được điểm chung để làm cho hai quan điểm đó gần với nhau hơn, tức là dần dần đi vào những cái “tinh”, cái chất lượng của một nền thể thao”.

Theo phân tích của ông Giang thì việc đầu tư cho các môn Olympic phải có một lộ trình, đòi hỏi cần có thời gian chứ không thể thu được thành công trong một sớm, một chiều. Trên thực tế thì Thế vận hội Olympic bắt nguồn từ các cuộc thi đấu thể thao thời Hy Lạp cổ đại năm 776 trước Công nguyên và tiền thân của Thế vận hội mùa hè bắt đầu từ năm 1896. Olympic với một bề dày lịch sử như thế trong khi VN mới chỉ tham gia lần đầu tiên tại Olympic 1980, ở Moskva (Liên bang Nga) nên chúng ta sẽ phải phấn đấu nhiều nếu muốn có được thành tích. Trong khu vực, 2 nước sở hữu số HCV nhiều nhất của thể thao khu vực tại Olympic là Thái Lan và Indonesia cũng có bề dày ở đấu trường Olympic hơn VN.

Thái Lan và Indonesia cùng tham gia Olympic đầu tiên vào năm 1952 và có mặt ở hầu hết các kỳ Olympic mùa hè từ bấy đến nay. Trong lịch sử 63 năm dự Olympic, Thái Lan giành được 7 HCV (4 HCV Boxing, 3 HCV Cử tạ); Indonesia giành được 6 HCV ở môn Cầu lông. Với VN, sau 35 năm dự Olympic, thành cao nhất mà chúng ta đạt được là 2 chiếc HCB của Hiếu Ngân và Hoàng Anh Tuấn.

Những thông số trên cho thấy thể thao VN còn khá xa vời với đấu trường Olympic, khi so sánh ngay cả với các nước trong khu vực. Và ngay bản thân khu vực ĐNÁ cũng còn một khoảng cách quá xa so với châu lục chứ chưa nói gì đến thế giới. Tổng cộng số HCV mà 11 nước ĐNÁ đoạt được kể từ khi hội nhập đến nay chỉ là 13 HCV trong khi chỉ riêng Nhật Bản đã đoạt tới 17 HCV tại Olympic Athens 2004. Tuy nhiên, ông Giang cho rằng thể thao khu vực nói chung và thể thao VN nói riêng nếu biết chọn lựa được những môn phù hợp thì vẫn có khả năng rút ngắn khoảng cách.

Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 Nguyễn Mạnh Hùng cũng đầy trăn trở trong việc làm sao để thành tích của các môn Olympic ngày càng khả quan, trước mắt là năm nay. Theo ông Hùng thì ở Olympic tới, thể thao VN đặt mục tiêu có 25-30 VĐV lọt qua vòng loại Olympic. Và muốn vậy thì chúng ta phải có nhiều giải pháp đồng bộ từ việc lấy thi đấu làm cơ sở tập luyện, tham gia các giải đấu từ châu lục đến thế giới cho đến việc kinh phí không nhiều thì phải tập trung đầu tư theo chiều sâu, tránh dàn trải.

Ông Hùng cũng đề xuất nên thay đổi về nội dung và hình thức tổ chức Đại hội TDTT toàn quốc để sao cho việc tổ chức Đại hội giống như phạm vi của một Olympic thu nhỏ, các VĐV phải vượt qua vòng loại mới vào đến VCK. Thể thao VN cũng phải tập trung đầu tư cao độ cho 20 VĐV trọng điểm của 7 môn thể thao. Song song với đó là việc phải xây dựng chân đế bằng cách đào tạo khoảng 1.000 VĐV của 18-20 môn trọng điểm. “Tuy nhiên thành công được thì các cấp, ngành, địa phương phải coi thể thao là sự nghiệp chung của cả nước để cùng phối kết hợp một cách có hiệu quả và đồng bộ”, ông Hùng nói./. (VH)