Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Phó Chủ tịch UBOVN Hoàng Vĩnh Giang: 2016- năm thành công nhất lịch sử thể thao thành tích cao Việt Nam
Phó Chủ tịch UBOVN Hoàng Vĩnh Giang: 2016- năm thành công nhất lịch sử thể thao thành tích cao Việt Nam
13/01/2017 16:39

Liên tiếp giành HCV Olympic và Paralympic; đội tuyển bóng đá trẻ đoạt vé vào Vòng chung kết FIFFA U20 World Cup; đội tuyển futsal lọt tới vòng 1/8 FIFA World Cup; HCV bơi châu Á; đăng cai tổ chức thành công và giành ngôi vô địch toàn đoàn  Đại hội thể thao bãi biển châu Á…,Thể thao Việt Nam đã khép lại năm 2016 với một loạt kỳ tích lần đầu tiên có được trong lịch sử của mình. Bước vào năm mới 2017, Trang thông tin điện tử VOC đã có cuộc phỏng vấn PGS-TS Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch thường trực UBOVN điểm lại những kỳ tích đó và góp phần  rút ra bài học kinh nghiệm cho những thành công tiếp theo của TTVN.

- Thưa ông  tại cuộc họp báo công bố những sự kiện tiêu biểu 2016 của Bộ VHTTDL có những ý kiến cho rằng còn một vài sự kiện nữa chẳng hạn như đội tuyển futsal đã giành vé dự Vòng chung kết và lọt tới vòng 1/8 FIFA World Cup đáng ra cũng phải có tên trong số 4 sự kiện tiêu biểu đã được lựa chọn cho TTVN?

+ PCT UBOVN Hoàng Vĩnh Giang: Đúng là ngoài 4 sự kiện: HCV Olympic; HCV Paralympic; vé dự VCK FIFA U20 World Cup; HCV bơi châu Á mà Bộ đã bình chọn, còn một loạt sự kiện tiêu biểu rất đáng tôn vinh cần kể đến như chiến tích của futsal, đăng cai và vô địch Đại hội thể thao bãi biển châu lục, đấu kiếm giành HCV châu Á và lần đầu tiên đoạt tới 4 vé chính thức dự Olympic Rio, canoeing cũng lần đầu tiên trong 20 năm lịch sử giành HCV châu Á ở nội dung sẽ có ở Olympic Tokyo 2020, bóng bàn lên ngôi Khu vực với những tấm HCV cả các nôi dung đồng đội và cá nhân…Nhưng thể thao có 4 trong tổng số 10 sự kiện của ba ngành thể thao, văn hóa và du lịch là một tỷ lệ phù hợp và việc phải khó khăn lựa chọn như vậy càng tô điểm cho những kỳ tích có được đúng trong năm đại lễ thể thao Việt Nam tròn 70 tuổi và kỷ niệm 40 năm phong trào Olympic Việt Nam.

-Hình ảnh Chủ tịch IOC Thomas Bach đội mưa trên bãi biển quảng trường Công viên Biển Đông trong lễ khai mạc hay cả trận chung kết bóng ném bãi biển nữ đầy kịch tính giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Trung Quốc kết thúc với chiến thắng sát nút 3-2 của đội chủ nhà trong ngày bế mạc Đại hội thể thao bãi biển châu Á ABG 5 tại Đà Nẵng, được VTV và nhiều kênh truyền hình châu Á truyền phát rộng rãi cùng những cảnh đông nghịt khán giả tới mức nhiều người còn trèo lên tường nhà, cây cao, cột đèn từ phía xa để theo dõi trận đấu. Với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á OCA phụ trách ABG 5  ông có thể nói gì về điều này?

+ PCT UBOVN Hoàng Vĩnh Giang: Không chỉ bóng ném, các môn võ hay bóng đá bãi biển, bóng chuyền bãi biển...cũng rất đông khán giả gồm người dân địa phương và các khách du lịch trong và ngoài nước.Xin nhấn mạnh,  ABG là sự kiện đặc sắc 2 năm một lần của châu Á (tính đến lần thứ  5 tại Đà Nẵng - Việt Nam, sau đó sẽ bắt đầu lịch tổ chức là 4 năm một lần) với ý tưởng chủ đạo kết hợp thể thao với du lịch và kinh phí tổ chức đỡ tốn kém nhiều nhờ đặc thù địa điểm thi đấu trên bãi biển cùng các khán đài lắp ghép di động.Và tại ABG5 Đà Nẵng, tất cả trưởng đoàn của 43 Ủy ban Olympic tham dự đều đánh giá rất cao và ca ngợi Việt Nam đã tổ chức thành công xuất sắc Đại hội tầm cỡ châu lục này.Trong tổng kết ngành VHTTDL cũng khẳng định sự phát triển nổi bật của du lịch với con số kỷ lục 10 triệu du khách đến Việt Nam năm 2016 có phần đóng góp của ABG5. Riêng Chủ tịch IOC, ông Thomas Bach đến Việt Nam không chỉ dự lễ khai mạc hay tìm hiểu tình hình phát triển võ cổ truyền Việt Nam, mà một trong những  mục đích chính của ông là bàn bạc công việc cùng OCA và Việt Nam để chuẩn bị cho Đại hội thể thao bãi biển thế giới lần đầu tiên đã được ấn định tổ chức 4 năm sau  tại San Diego, Mỹ và Việt Nam với tư cách là những nhà vô địch tuyệt đối tại Đà Nẵng  sẽ có nhiều cơ hội lọt qua vòng loại ở nhiều nội dung.

- Dù ý nghĩa hai sự kiện tiêu biểu nhất - những tấm HCV Olympic và Paralympic đầu tiên  đã được nói đến khá đầy đủ, nhưng ông có thể phân tích, đánh giá thêm bài học kinh nghiệm có thể rút ra từ đây cho TTVN đặc biệt ở đấu trường  Olympic và các Đại hội thể thao châu lục và khu vực?

+ PCT UBOVN Hoàng Vĩnh Giang: Hơn 4 năm trước tại Olympic London 2012 chính Hoàng Xuân  Vinh đã để vuột tấm HCĐ phút chót tưởng như đã chắc trong tầm với.Dù không có huy chương nhưng năm 2012 là một cột mốc quan trọng mở đầu sự lột xác của thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic  khi lần đầu tiên có tới 18 VĐV của 11 môn Olympic vượt qua được vòng loại chính thức giành vé tới London. Trước  đó dù có các tấm HCB tại Sydney 2000 và Bắc Kinh 2008, nhưng nhiều môn củaTTVN vẫn phải đến Thế vận hội theo “cửa hậu” bằng những tấm vé mời, từ nay Việt Nam đã được “bị loại ra” khỏi danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ cần white card (vé mời) để cử VĐV tham dự một kỳ Olympic. Sự trỗi dậy ở Olympic London chính là kết quả ban đầu của một chiến lược dài hạn đúng đắn từng vấp phải những ý kiến trái chiều phê phán “mang tính dàn trải”, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, nhưng Chính phủ  đã lắng nghe đề xuất của UBOVN quyết định phê duyệt năm 2010. Đó là  quyết định về chiến lược phát triển 10 năm cho ngành TDTT  đến năm 2020 với nhóm trọng điểm chiến lược bao gồm 10 môn và nhóm trọng điểm loại một gồm 22 môn từ 2010 đến 2016. Sự chỉ đạo của Chính phủ đã giúp cho ngành TDTT đi đúng hướng cùng mục tiêu trong quyết định là cố gắng phấn đấu có HCV. Và Việt Nam đã làm được và cả Thể thao người khuyết tật cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này.

Trái ngọt đến sau những năm khổ công ươm trồng.Còn rầm rộ hơn cả ở London, TTVN đã  đến Rio với lực lượng hùng hậu 23 VĐV vượt qua được vòng loại 10 môn Olympic cùng chiến tích kiệt xuất 1HCV, 1HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đồng thời tại Paralympic cũng đã có một mùa gặt hái oanh liệt chưa từng có với 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ của thể thao người khuyết tật.

Và tôi tin những chiến công này vẫn tiếp tục được phát huy và truyền cảm hứng tới cả TTVN. Còn nữa hai môn thế mạnh của Việt Nam không chỉ ở SEA Games là silat và karate sẽ tạo thêm hy vọng cho TTVN vì bắt đầu lần lượt có trong chương trình thi đấu ở ASIAD 2018 và Olympic 2020. Ngay từ bây giờ chúng ta sẽ đu tư tốt hơn nữa cho nhiều môn thể thao mũi nhọn, lựa chon những nội dung phù hợp và chuẩn bị hướng tới huy chương trong các cuộc thi đấu ở SEA Games, ASIAD và Olympic trong tương lại nhất là năm 2021 Việt Nam có trách nhiệm đăng cai SEA Games lần thứ 31.

- Xin cảm ơn ông và trong bầu không khí tết Đinh Dậu đang tới xin chúc ông cùng toàn thể các vị lãnh đạo, cán bộ ngành TDTT, các HLV,VĐV  một năm mới thật tốt lành cùng những thành công mới./.