Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Kỷ niệm 125 năm ngày thành lập Ủy ban Olympic quốc tế
Kỷ niệm 125 năm ngày thành lập Ủy ban Olympic quốc tế
25/06/2019 16:50

“Cách tốt nhất để kỷ niệm quá khứ lẫy lừng là tiếp thu từ những bài học từ đó để chuẩn bị cho tương lai.” Đó là những lời phát ngôn của nam tước Pierre de Coubertin, nhà giáo dục trẻ người Pháp, người đã sáng lập Thế vận hội Olympic hiện đại và thành lập Ủy ban Olympic quốc tế (IOC)cách đây 125 năm (ngày 23 tháng 6 năm 1894).


Vào thời điểm đó, ông không tin rằng Thế vận hội Olympic và IOC vẫn mạnh mẽ tồn tại sau hơn một thế kỷ. Tầm nhìn của ông về một thế giới đoàn kết tại các cuộc thi thể thao trong hòa bình đã vượt qua thách thức thời gian.

Rất ít cơ quan hoặc tổ chức phi chính phủ thế giới có thể tồn tại lâu như vậy, và rất ít tổ chức có thể sống sót sau hai cuộc chiến tranh thế giới, các lần tẩy chay, tình huống gần bờ vực phá sản, khủng bố, và các vụ bê bối về đạo đức. Tuy nhiên, IOC và Thế vận hội Olympic đã cố gắng vượt qua các mối đe dọa và phát triển qua thời kỳ hỗn loạn để đạt được thành công và sự ổn định hiện tại của mình.

Bí quyết về sự tồn tại của IOC cho tới nay:

Chủ tịch IOC Thomas Bach cho biết: “Có hai lý do. Lý do thứ nhất là các giá trị do Pierre de Coubertin thiết lập vẫn còn giữ được tầm quan trọng cho tới bây giờ, và còn trở nên quan trọng hơn trong thời kỳ khủng hoảng chính trị và tài chính. Chúng ta đã chứng kiến cách những giá trị dẫn đến sự tái sinh của Thế vận hội Olympic sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai… Lý do thứ hai là IOC, qua các thời kỳ, luôn bắt kịp với xu hướng hiện đại và không lệ thuộc vào truyền thống. Điều đó có nghĩa là duy trì và nâng cao các giá trị, nhưng cũng phải bắt kịp với cách tuyên truyền các giá trị này, cách diễn giải chúng, tại một thời điểm nhất định.”

Nguyên Chủ tịch IOC danh dự Jacques Roggue nhấn mạnh những lý do cơ bản: Truyền cảm hứng từ thế hệ vận động viên này sang thế hệ vận động viên sau về việc theo đuổi ước mơ tham dự Thế vận hội Olympic. “Đó là niềm đam mê của các vận động viên được thi đấu với nhau. Các vận động viên muốn được giao lưu trong Làng vận động viên Olympic và thi đấu với những người tài giỏi.”

Pierre de Coubertin đã kiên trì và vận động mạnh mẽ để thu hút sự ủng hộ cho việc hiện thực hóa giấc mơ của mình. Vào thời điểm ông triệu tập một hội nghị đặc biệt tại Sorbonne ở Paris vào năm 1894, mọi thứ đã diễn ra thuận lợi với ông.Những gì ban đầu được lên kế hoạch như một hội nghị về chủ nghĩa nghiệp dư trong thể thao đã được đổi tên thành “Hội nghị quốc tế về việc tái lập Thế vận hội Olympic.”

Hội nghị triệu tập tại nhà hát lớn của Sorbonne vào ngày 16 tháng 6 năm 1894. Bảy ngày sau, vào ngày 23 tháng 6, trong phiên họp cuối cùng, 79 đại biểu đến từ 11 quốc gia đã nhất trí thông qua sự tái sinh của Thế vận hội Olympic.

Hội nghị nhất trí rằng Thế vận hội Olympic nên được tổ chức bốn năm một lần ở các địa điểm khác nhau và Athens được chọn là nơi tổ chức Thế vận hội Olympic hiện đại đầu tiên vào năm 1896.Các đại biểu đã thông qua một nghị quyết về tính nghiệp dư, chỉ dành cho các vận động viên không chuyên,ngoại trừ các vận động viên đấu kiếm.

Hội nghị cũng thành lập Ủy ban quốc tế về Thế vận hội Olympic, bắt đầu với 12 thành viên, tăng lên 14 vào cuối năm 1894 và 16 vào năm 1895. Tên hiện tại của tổ chức “Ủy ban Olympic quốc tế” chính thức được sử dụng vào năm 1901.

Chủ tịch Bach đánh dấu nhiều nét tương đồng liên quan đến những thách thức mà Pierre de Coubertin gặp phải vào những năm 1890 và những vấn đề mà IOC và thế giới đang phải đối mặt hiện nay.

“Khi Pierre de Coubertin thành lập IOC, tầm nhìn và các giá trị của ông vào thời điểm đó đều chống đối chủ nghĩa dân tộc, chống lại sự xâm lược giữa các quốc gia,” Chủ tịch Bach cho biết.“Đó là về tình bạn và sự hiểu biết.Đó là về việc mang mọi người gần lại với nhau.Đó là về việc giúp thế giới trở nên bớt mong manh.”

“Chúng tađã chứng kiến tư tưởng chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy.Chúng tađã chứng kiến chủ nghĩa xâm lược.Đó là một cơ hội tuyệt vời bởi vì chúng ta có thể chứng minh tầm quan trọng của những giá trị của chúng ta.Chúng ta phải chiến đấu nhiều hơn vì sự hiểu biết, đối thoại và sự tôn trọng.”

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Coubertin đã chuyển trụ sở IOC từ Pháp sang Lausanne vào năm 1915 vì Thụy Sĩ được coi là đất nước trung lập. Villa Mon Repos từng là trụ sở của IOC từ năm 1922 đến năm 1968, khi IOC chuyển đến Château de Vidy.

Mặc dù Thế vận hội Olympic bị hủy bỏ trong hai cuộc Chiến tranh Thế giới, chúng được tổ chức sau mỗi cuộc xung đột, nhấn mạnh thông điệp mạnh mẽ và bền vững của Thế vận hội Olympic về hòa bình và thiện chí quốc tế.

Kể từ sau thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, Phong trào Thể thao Olympic không gặp ít khó khăn về chính trị, tài chính, phòng chống doping v.v… Kể từ đó, đã có nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề này: sự thành lập của Quỹ đoàn kết Olympic để hỗ trợ các vận động viên Olympic và các Ủy ban Olympic quốc gia, Chương trình tài trợ TOP để thiết lập một nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động của IOC, Cơ quan phòng chống Doping thế giới, quan hệ hợp tác với Liên Hiệp quốc để thông qua nghị quyết về việc tái lập Đình chiến Olympic (được áp dụng ở các kỳ Thế vận hội kể từ năm 1993) v.v…