Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Thể thao Việt Nam nỗ lực vì mục tiêu "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn"
Thể thao Việt Nam nỗ lực vì mục tiêu "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn"
27/03/2020 10:07
Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27-3-1946 / 27-3-2020), phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam để hiểu hơn về nỗ lực của vận động viên (VĐV) và ngành thể thao Việt Nam (TTVN) trong mục tiêu hướng tới Olympic "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn".
Phóng viên (PV): Thưa ông, Olympic là ước mơ, là mục tiêu phấn đấu cao nhất trong sự nghiệp của mỗi VĐV thể thao. Nhưng để đào tạo ra một VĐV đạt chuẩn dự Thế vận hội chắc chắn không hề đơn giản?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: 4 năm trước, thế vận hội được tổ chức ở Brazil, TTVN khi ấy có 23 VĐV tham dự, đông nhất từ trước đến nay. Nhìn vào số lượng chúng ta có thể thấy rõ, Olympic vẫn đang là sân chơi quá tầm với không chỉ TTVN mà với cả thể thao Đông Nam Á. Ví dụ, tấm vé dự Thế vận hội của võ sĩ boxing Văn Đương mới đây đã làm ngỡ ngàng nhiều người. Năm 1982, boxing được khôi phục ở Việt Nam sau một quãng thời gian bị lãng quên, nhưng phải đến năm 2001, boxing mới được đầu tư một cách có chủ đích, có mục tiêu. Nói thế để thấy, để có được một VĐV đạt chuẩn Olympic không phải đơn giản. Việc thi đấu tại các đấu trường lớn thì không thể nào đi từ đỉnh xuống, mà phải từ quần chúng đi lên. Với TTVN thì phải bắt đầu bằng Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc đi lên SEA Games, ASIAD và cuối cùng là Olympic. Đó là một quy trình mà giải đấu nhỏ sẽ là tiền đề vững chắc để hướng tới những giải đấu lớn và cao nhất.

PV: Việc hoãn Olympic Tokyo 2020 sang hè 2021 mở ra cơ hội gì cho TTVN, thưa ông?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Tôi khẳng định, việc ban tổ chức hoãn Olympic Tokyo 2020 là quyết định sáng suốt. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng ta cần phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe, an toàn cho VĐV, huấn luyện viên (HLV). Việc Olympic hoãn lại một năm không chỉ có lợi cho TTVN mà còn với thể thao thế giới. Tính đến nay, TTVN mới có 5 vé dự Olympic, gồm: Huy Hoàng (bơi lội), Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Văn Đương (boxing) và Ánh Nguyệt, Phi Vũ (bắn cung). Chúng ta đều thấy những ngày qua, TTVN gặp nhiều khó khăn vì đại dịch khi nhiều bộ môn, nhiều VĐV không thể đi tập huấn, thi đấu trong nước và nước ngoài. Olympic 2020 hoãn cũng đồng nghĩa với việc TTVN có thêm thời gian để chuẩn bị, thay đổi lại kế hoạch, mục tiêu vốn đã bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian qua. Mặc dù vậy, những ngày qua chúng ta thấy các VĐV vẫn tiếp tục tập luyện, giữ phong độ đúng với tinh thần của Olympic: “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”.

PV: Trong tiến trình đào tạo VĐV trọng điểm, bên cạnh những thành công thì cũng có những chuyến đi không được như dự tính, TTVN đã rút được kinh nghiệm gì trong chọn nơi tập huấn, chọn thầy cho các VĐV?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Có 3 yếu tố quyết định thành bại của VĐV. Yếu tố đầu tiên là phải có thầy giỏi, tâm huyết với nghề. Yếu tố thứ hai là “có bột mới gột nên hồ”-phải có VĐV tốt thì mới đào tạo định hướng đỉnh cao được. Yếu tố thứ ba là “học thầy không tày học bạn”. VĐV muốn biết mình đang ở đâu thì cần phải được giao lưu, học hỏi, cọ xát chuyên môn với các đối thủ quốc tế. Lâu nay nhiều người có quan niệm rằng, VĐV phải được tập huấn ở xa, ở nước phát triển mới mau tiến bộ. Theo tôi, không hẳn lúc nào cũng phải cho VĐV đi tập huấn xa, vừa tốn kém vừa chưa chắc đã phát triển về chuyên môn. Chúng ta cần tính toán xem địa điểm nào tập luyện phù hợp nhất dù nó ở gần, phù hợp với điều kiện tài chính mà “con nhà nghèo” có thể chịu được và phát huy được hiệu quả chuyên môn. Điều quan trọng nhất của tập huấn là HLV phải quản quân tốt, quá trình tập luyện của VĐV không được phá vỡ hệ thống, chu kỳ huấn luyện.
Khi có được một VĐV tài năng, chúng ta cần xác định đó là tài sản của đất nước chứ không riêng của một đơn vị nào. Lâu nay chúng ta vẫn đang có quan điểm một VĐV tài năng là thuộc sở hữu của riêng một tỉnh, thành phố. Vì vậy, đã xuất hiện chuyện VĐV phải gồng mình thi đấu nhiều nội dung để phục vụ cho thành tích riêng của đoàn đó tại các đại hội thể thao toàn quốc, các giải vô địch quốc gia... Điều này là bất lợi cho một VĐV đỉnh cao. Chúng ta cần phải xác định VĐV mạnh ở nội dung nào thì cần chú trọng, tập trung đầu tư vào nội dung đó để có được kết quả tốt nhất.

PV: Năm 2020 cũng là năm bản lề để TTVN chuẩn bị kế hoạch cho SEA Games 31-2021. Đây được kỳ vọng là một kỳ SEA Games “fair-play” nhất từ trước đến nay mà chủ nhà Việt Nam muốn hướng tới khi tập trung tổ chức tối đa các môn thuộc Olympic. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Hoàng Vĩnh Giang: Ngay sau khi tiếp nhận quyền đăng cai SEA Games 31-2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện đã chỉ đạo tổ chức một kỳ đại hội tập trung vào các môn Olympic. Chúng ta xác định đưa “kịch đường tàu” nội dung các môn thuộc Olympic. Tôi cho rằng đây là chủ trương rất đúng khi VĐV các nước sẽ có dịp được cọ xát, thi đấu nhiều môn Olympic. Điều này là rất tốt cho sự phát triển chung của thể thao khu vực. Tất nhiên, khi đã là chủ nhà thì ai cũng muốn giành được nhiều huy chương, nhất toàn đoàn. Nhưng cái nhất đó phải cho xứng đáng. SEA Games tới cũng sẽ có nhiều môn thể thao xuất xứ từ Đông Nam Á cần được sự tôn trọng, như: Pencak silat, cầu mây... Chủ nhà Việt Nam vẫn sẽ đưa vào các nội dung thế mạnh, như: Đá cầu, lặn, võ thuật (vovinam và võ cổ truyền). Tất nhiên, những môn thi đấu thế mạnh của nước chủ nhà không vượt quá 5% tổng số bộ huy chương của đại hội theo quy định. Bất cứ nước nào khi tham dự một giải đấu thì bao giờ cũng đặt mục tiêu giành kết quả cao. Vì thế, cũng sẽ có cân nhắc để thể thao không đơn thuần chỉ là thành tích, mà vượt tầm trở thành "cầu nối" ngoại giao, giúp Việt Nam thêm gần gũi với bạn bè trong khu vực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(Nguồn: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/the-thao-viet-nam-no-luc-vi-muc-tieu-nhanh-hon-cao-hon-manh-hon-613342