Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Search

Tin Thể thao trong nước

Tin tức thể thao quốc tế

Con số và sự kiện

Sea Games

Thông báo


Thể thao quốc tế
Thể thao Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam
19/11/2021 13:05
Sáng 18/ 11, Đại hội đại biểu toàn quốc Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI (nhiệm kỳ 2021 – 2026) đã được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, Ba Đình, Hà Nội, kết nối trực tuyến ba điểm cầu tại Sở VHTT Đà Nẵng, Sở VHTT TPHCM, và Sở VHTTDL Cần Thơ. Đại hội đã nhất trí bầu ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước khi bắt đầu Đại hội, Ban tổ chức và các vị đại biểu đã dành phút tưởng niệm các nạn nhân qua đời vì dịch Covid-19, đồng thời tưởng niệm hai người Thể thao Việt Nam mới mất: Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, Anh hùng lao động thời kỳ Đổi mới Hoàng Vĩnh Giang và Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao Người khuyết tật Việt Nam Vũ Thế Phiệt.

Khác với cơ cấu 81 ủy viên Ban Chấp hành UBOVN khóa V nhiệm kỳ trước, Đại hội khóa VI đã bầu Ban Chấp hành mới tinh giản hơn với 39 ủy viên. Trong đó có 13 ủy viên Ban Thường vụ, 5 Phó Chủ tịch, 1 Tổng Thư ký, 1 Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhận được sự tín nhiệm tuyệt đối của Đại hội, trúng cử Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI ( nhiệm kỳ 2021-2026) với số phiếu tán thành 100%. Theo Điều lệ Olympic, Chủ tịch tiền nhiệm khoá V- Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sẽ là Chủ tịch danh dự Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI.

Các Phó Chủ tịch khóa VI gồm có: Ông Trần Đức Phấn (Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT), ông Lê Văn Kiểm (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành), ông Trần Minh Hùng (Phó tổng giám đốc VOV), ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch HĐQT Vietravel), ông Hoàng Xuân Lương (Chủ tịch Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam). Tổng Thư ký Ủy ban Olympic khóa V- ông Trần Văn Mạnh tiếp tục được bầu làm Tổng Thư ký khóa VI.

Những dấu ấn khóa V

Phát biểu khai mạc Đại hội, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam khoá V- Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: Trong nhiệm kỳ vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Uỷ ban Olympic Việt Nam đã cùng Tổng cục TDTT phối hợp chặt chẽ với các Liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia, các địa phương, các tổ chức thành viên với ý chí quyết tâm, vượt mọi khó khăn triển khai tổ chức hiệu quả nhiều hoạt động thể thao, Olympic quan trọng; tham gia tích cực và đầy đủ các Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới với thành tích ngày một cao hơn, tạo được ấn tượng tốt đẹp với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của phong trào Olympic Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban Olympic Việt Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự 2 kỳ SEA Games, 1 kỳ ASEAN Para Games tại Malaysia và Philippines, Đại hội Thể thao Trong nhà và Võ thuật châu Á lần thứ 5 (AIMAG5) tại Turkmenistan, Đại hội Thể thao thế giới lần thứ 10 (World Games 10) tại Ba Lan, Đại hội Thể thao Người khuyết tật trẻ châu Á tại UAE, Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 18 tại Indonesia, Đại hội Thể thao Người khuyết tật châu Á lần thứ 3 tại Indonesia, Đại hội Olympic Trẻ lần thứ 3 tại Argentina, Đại hội Thể thao mùa Đông châu Á lần thứ 8 tại Sapporo - Nhật Bản, Đại hội Thể thao bãi biển thế giới lần thứ nhất tại Doha - Qatar, Olympic Tokyo 2020.

Với việc chú trọng tới đầu tư phát triển các môn thể thao Olympic và ASIAD thể thao thành tích cao đã có những bước đột phá. Số lượng huy chương vàng tại các giải thế giới và châu Á năm 2019 đã tăng gấp đôi so với năm 2015. Nhiều vận động viên ở các môn thể thao Olympic như bắn súng, thể dục dụng cụ, bơi lội, cử tạ, cầu lông, rowing, điền kinh... đạt trình độ hàng đầu châu Á và thế giới.

Kết quả tham dự các giải thể thao quốc tế năm 2017, 2018, 2019, 2020 các vận động viên Việt Nam đã giành được tổng số 3490 huy chương các loại (trong đó có 1.424 huy chương vàng, 1.036 huy chương bạc, 1.030 huy chương đồng). Nổi bật trong đó là ASIAD 2018- kỳ Á vận hội thành công nhất cả lịch sử thể thao Việt Nam giành 4 HCV trong đó có 2 HCV các môn Olympic, và SEA Games 2019 lần đầu tiên Đoàn thể thao Việt Nam- không phải là nước chủ nhà - vượt qua cường quốc thể thao khu vực là Thái Lan về số HCV vươn lên xếp thứ hai toàn đoàn. Bóng đá Việt Nam tiến bộ vượt bậc giành nhiều thành tích xuất sắc: Đội tuyển U22 lần đầu tiên trong lịch sử vô địch SEA Games 2019; Đội tuyển bóng đá nam quốc gia vô địch Đông Nam Á AFF Suzuki Cup năm 2018 và giành quyền tham dự Vòng loại cuối World Cup 2022; đội tuyển Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất ASIAD 18; đội tuyển bóng đá nữ lần thứ 6 vô địch SEA Games; đội tuyển Futsal lần thứ 2 liên tiếp giành quyền tham dự Vòng chung kết Futsal FIFA World Cup.

Phấn đấu nâng vị thế của Thể thao Việt Nam lên tầm cao mới

Phát huy những thành tích đã đạt được, Đại hội đại biểu Ủy ban Olympic Việt Nam đặt quyết tâm phấn đấu nâng vị thế của Thể thao Việt Nam lên tầm cao mới, thông qua những mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ mới: Vận động nhân dân cả nước tham gia tập luyện Thể dục thể thao; Phát triển mạnh các phong trào rèn luyện thân thể trong cộng đồng; Phối hợp phát triển phong trào Thể thao cho mọi người, Thể thao trong trường học và lực lượng vũ trang; Mở rộng quy mô, chất lượng ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân (27/3) và ngày Olympic Trẻ em.

Về thể thao thành tích cao, tiếp tục nâng cao thành tích của các môn thể thao trọng điểm theo hướng tiếp cận với thành tích của Châu lục và thế giới. UBOVN cùng với Tổng cục TDTT, các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao quốc gia triển khai việc chuẩn bị cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự các Đại hội Thể thao Quốc tế hàng năm, gồm: Đại hội Thể thao trong nhà Võ thuật Châu Á tại Thái Lan năm 2022, Đại hội Thể thao Bãi biển Châu Á tại Trung Quốc, SEA Games 32, ASEAN Para Games 12 tại Campuchia năm 2023, SEA Games 33 năm 2025, Thế Vận hội Olympic tại Pháp năm 2024, Thế Vận hội Olympic trẻ mùa đông tại Hàn Quốc năm 2024, Đại hội Thể thao Châu Á tại Nhật Bản năm 2026….Tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung phát triển các môn Thể thao Olympic và ASIAD theo hướng tập trung sâu và chuyên nghiệp hóa; Xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tập luyện và thi đấu thể dục thể thao.

Đặc biệt, công tác chuẩn bị đăng cai SEA Games 2021; củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị về thể thao, phong trào Olympic với các tổ chức thể thao quốc tế cũng như các Uỷ ban Olympic quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực, châu lục và thế giới; tiếp tục khai thác các nguồn tài trợ, học bổng Olympic, các khóa học quản lý, kỹ thuật cũng sẽ được chú trọng.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng

Phát biểu bế mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam khóa VI nhiệm kỳ 2021-2026 Nguyễn Văn Hùng khẳng định sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của các đại biểu, Đại hội đã hoàn tất nội dung chương trình và thành công tốt đẹp.

Bộ trưởng, Chủ tịch Nguyễn Văn Hùng chỉ đạo: Đây là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề cho mỗi thành viên trong Ban chấp hành Uỷ ban Olympic khóa VI. Năm 2021 là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và của ngành VHTTDL, là năm đầu tiên nỗ lực thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước 10 năm. Theo đó ngành VHTTDL phải gấp rút chuẩn bị các đề án, các chương trình hành động để cụ thể hóa Nghị quyết đại hội Đảng, đưa Nghị quyết đại hội Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Với quyết tâm chính trị cao, bằng hành động quyết liệt, khát vọng cống hiến, ngành VHTTDL sẽ hoàn thiện các bước trong cơ chế chính sách, cụ thể hóa các kế hoạch bằng các kế hoạch và chương trình hành động cụ thể. Đến thời điểm này, về lĩnh vực TDTT chúng ta đã gấp rút để chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ chính trị về phát triển TDTT và đang tiếp tục hoàn thiện để trình chính phủ ban hành chiến lược thể thao trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh đó, thể thao Việt Nam lại tiếp tục nhận được sự quan tâm rất sâu sắc của Đảng và Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã dành hẳn một phiên làm việc với ngành thể thao và với lãnh đạo Bộ VHTTDL, cho những ý kiến xác đáng để ngành thể thao xem xét lại có hướng căn cơ, bài bản để phát triển. Trên hai trụ cột chính, thể thao quần chúng là nền tảng, thể thao thành tích cao là điểm nhấn để phát triển và có lộ trình xây dựng. Chính vì vậy mà việc tổ chức Đại hội đại biểu Uỷ ban Olympic khóa VI lần này cũng là một nhiệm vụ mà đã được Đảng và nhà nước giao là nhanh chóng kiện toàn tổ chức thành viên, củng cố các tổ chức làm nhiệm vụ phát triển TDTT để cùng với toàn ngành hoàn thiện tốt các nhiệm vụ và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã đề ra.

Báo cáo của Đại hội đã chỉ ra những thành quả đã đạt được trong 5 năm qua đồng thời chỉ ra những bài học kinh nghiệm và phương hướng,mục tiêu của Uỷ ban trong 5 năm tới. Trên tinh thần ấy, Bộ VHTTDL cũng cần nghiên cứu sâu hơn Nghị quyết 50 của Chính phủ về chương trình hành động, thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng, trong đó, phải nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng cường thể lực của thanh niên, phát triển mạnh mẽ TDTT, kết hợp TDTT phong trào với thể thao thành tích cao, thể thao dân tộc với thể thao hiện đại; xây dựng chính sách và cơ chế phù hợp để bồi dưỡng tài năng, đưa thể thao Việt Nam đạt vị trí cao ở khu vực, châu lục và thế giới, đặc biệt ở những bộ môn thể thao Việt Nam có ưu thế. Để làm được việc này, ngành TDTT nói chung và Uỷ ban Olympic nói riêng cần có những hành động, chương trình cụ thể, sâu sắc, phải nhân rộng triển khai các nội dung để cụ thể hóa chương trình hành động của Đại hội.

Thay mặt cho Ban chấp hành khóa VI, Chủ tịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết trên tinh thần nhìn lại để tiến xa hơn, Đại hội đã nghiêm túc nhìn lại để thấy được những gì là thành công, thành tựu của khoá trước cũng như những gì còn tồn tại, cần rút kinh nghiệm để xây dựng, bổ sung các giải pháp, các nhóm nhiệm vụ của khoá mới. Mong muốn Ban chấp hành khoá mới sẽ đoàn kết, đồng lòng, phát huy được trí tuệ, sức mạnh tập thể cho mục tiêu chung. Nghị quyết của Đại hội sẽ được hiện thực bằng những hành động cụ thể vì sự phát triển của thể thao Việt Nam, như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân cường thì quốc thịnh”.

“Theo tinh thần Olympic nhanh hơn, mạnh hơn và cùng nhau, chúng ta sẽ cùng thực hiện thông điệp này. Từ Đại hội ngày hôm nay, tôi cũng kêu gọi các Liên đoàn, Hiệp hội, các tổ chức, cá nhân… hãy cùng nhau để hiện thực Nghị quyết Đại hội vừa thông qua, vì một nền thể thao phát triển bền vững, góp phần cải thiện sức khoẻ, thể lực cho nhân dân”, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Việt Nam khoá VI Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.